SKĐS – Dinh dưỡng đúng không chỉ tốt cho sự phát triển thể chất của trẻ mà còn tác động tích cực đến hoạt động não bộ. Cha mẹ có thể tham khảo 10 loại thực phẩm giúp tăng cường trí não.
Sự phát triển trí não diễn ra nhanh chóng trong vài năm đầu đời của trẻ. Trên thực tế, ở tuổi lên 2, bộ não của trẻ đạt 80% trọng lượng não người trưởng thành.
Bộ não của trẻ tiếp tục phát triển trong suốt tuổi thiếu niên, đặc biệt là ở vỏ não trước trán, vùng não được gọi là “trung tâm nhân cách”. Vùng não này liên quan đến trí nhớ, ra quyết định, lập kế hoạch và các chức năng điều hành khác.
Tất cả các chất dinh dưỡng đều có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bình thường của não. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra những loại thực phẩm và chất dinh dưỡng cụ thể hỗ trợ sự phát triển trí não, có lợi cho chức năng nhận thức trong suốt thời thơ ấu và thanh thiếu niên.
Dưới đây là 10 thực phẩm tăng cường trí não mà cha mẹ nên bổ sung vào thực đơn nuôi dưỡng trẻ:
1. Trứng chứa choline giúp tăng cường trí não
Trứng là một trong những thực phẩm tốt nhất cho trí não mà cha mẹ nên cho con ăn, giúp cải thiện khả năng miễn dịch của trẻ. Nếu đang tìm kiếm thực phẩm phát triển trí não cho bé, các mẹ có thể dễ dàng bổ sung trứng sau 6 tháng tuổi. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, tốt nhất nên bắt đầu chỉ với lòng đỏ trứng nghiền để tránh bất kỳ phản ứng dị ứng nào. Với trẻ lớn có thể cho ăn cả quả trứng.
Trứng rất giàu chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin B6, B12, protein, folate, selen và choline. Choline là dưỡng chất đặc biệt quan trọng cho sự phát triển trí não. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy rằng chế độ ăn có trứng và các thực phẩm lành mạnh khác như trái cây và các loại đậu có liên quan đến điểm IQ cao hơn so với chế độ ăn nhiều thực phẩm có đường.
2. Quả mọng
Quả mọng (dâu tây, mâm xôi, việt quất…) chứa đầy các hợp chất thực vật hữu ích được gọi là anthocyanin và là thực phẩm rất có lợi cho sự phát triển trí não của bé từ 2 tuổi trở lên. Anthocyanin có lợi cho sức khỏe não bộ, thúc đẩy sản xuất các tế bào thần kinh mới và một số protein nhất định, tăng lưu lượng máu đến não, chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm giúp bảo vệ não. Điều này bao gồm yếu tố dinh dưỡng thần kinh có nguồn gốc từ não liên quan đến trí nhớ và học tập.
Trẻ mới biết đi có xu hướng yêu thích những loại trái cây mềm và ngọt này nhưng nên cho trẻ ăn bằng cách xay hoặc nghiền nát để tránh cho trẻ không bị nghẹn, hóc.
3. Rau lá xanh
Cho trẻ tập ăn rau xanh có thể là một thách thức nhưng sức khỏe não bộ của trẻ được tăng cường khi ăn đủ rau xanh. Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau diếp, rau bina có các hợp chất bảo vệ não như folate, carotenoids, flavonoid, vitamin E và K1. Chế độ ăn giàu thực phẩm carotenoid như rau xanh tốt cho chức năng nhận thức ở trẻ em.
4. Hải sản
Hải sản là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng cho chức năng não, bao gồm kẽm, iod và chất béo omega-3. Cơ thể cần iod để sản xuất hormone tuyến giáp, được biết là đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của não. Một số nghiên cứu đã liên kết việc tiêu thụ hải sản với việc nâng cao chức năng nhận thức ở trẻ em và thanh thiếu niên. Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa việc ăn cá với điểm IQ cao hơn và kết quả học tập được cải thiện ở trẻ em. Nồng độ chất béo omega-3 trong máu thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng nhận thức của trẻ em. Các loại cá tốt cho trẻ em bao gồm cá hồi, cá trích và cá mòi.
5. Cam
Thêm cam vào chế độ ăn của trẻ có thể cải thiện rõ rệt sức khỏe tổng thể bao gồm cả sức khỏe nhận thức. Cam rất giàu flavonoid, bao gồm narirutin và hesperidin. Nước cam là một trong những nguồn flavonoid được tiêu thụ nhiều nhất. Các nghiên cứu cũng gợi ý rằng tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống giàu flavonoid như cam và nước cam có thể giúp tăng hoạt động thần kinh, tăng lưu lượng máu đến não, do đó thúc đẩy chức năng nhận thức. Cam cũng chứa nhiều vitamin C, một chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe não bộ. Vitamin C cần thiết cho việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh thích hợp, phát triển trí não…
6. Ca cao
Ca cao và các sản phẩm ca cao là một số nguồn thực phẩm chứa chất chống oxy hóa flavonoid tập trung nhất, bao gồm epicatechin và catechin. Những hợp chất này có đặc tính chống viêm và bảo vệ não. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể có lợi cho sức khỏe não bộ. Flavonoid trong ca cao làm tăng lưu lượng máu đến não, cải thiện khả năng xử lý thị giác, dẫn đến hiệu suất nhận thức tốt hơn trong các nhiệm vụ học tập bằng lời nói và trí nhớ.
7. Sữa chua
Cho trẻ ăn sữa chua không đường vào bữa sáng hoặc bữa ăn nhẹ là một cách tuyệt vời để cải thiện sức khỏe não bộ của trẻ. Các sản phẩm từ sữa như sữa chua là nguồn cung cấp iod tuyệt vời, một chất dinh dưỡng cần thiết cho chức năng nhận thức và phát triển trí não. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em không tiêu thụ đủ iod có khả năng bị suy giảm nhận thức. Ngoài việc là nguồn cung cấp iod tuyệt vời, sữa chua còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sự phát triển và chức năng của não, bao gồm kẽm, protein, selen, kẽm. Có thể cho trẻ ăn sữa chua không đường, cho thêm quả mọng và hạt bí ngô.
8. Thực phẩm giàu chất sắt
Lượng sắt thấp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhận thức ở trẻ em. Sự thiếu hụt này cũng có liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Trẻ em dưới 7 tuổi được coi là có nguy cơ bị thiếu sắt cao nhất. Chế độ ăn của trẻ nên bao gồm các thực phẩm giàu chất sắt như rau bina, đậu, thịt gia cầm, thịt đỏ và hải sản… để ngăn ngừa tình trạng thiếu sắt. Ngoài ra, việc bổ sung nguồn vitamin C vào thực phẩm giàu chất sắt không phải heme có thể giúp tăng cường hấp thụ.
9. Các loại hạt
Các loại hạt cực kỳ bổ dưỡng và chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao có liên quan đến chức năng nhận thức được cải thiện. Chúng bao gồm protein, sắt, folate, vitamin E và kẽm. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn các loại hạt có thể giúp cải thiện chất lượng chế độ ăn uống của trẻ, tăng cường tiêu thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu như chất xơ, chất béo lành mạnh và protein. Chất lượng chế độ ăn uống có liên quan đến chức năng nhận thức và kết quả học tập tốt hơn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiêu thụ hạt cũng có liên quan đến sự cải thiện các khía cạnh cụ thể về hiệu suất nhận thức ở sinh viên trong độ tuổi đại học.
10. Ngũ cốc nguyên hạt
Não cần được cung cấp glucose liên tục và ngũ cốc nguyên hạt cung cấp lượng đó rất nhiều. Chất xơ giúp điều chỉnh việc giải phóng glucose vào cơ thể. Ngũ cốc nguyên hạt cũng chứa vitamin B, giúp nuôi dưỡng hệ thần kinh khỏe mạnh.
Một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của trẻ. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm vào chế độ ăn của trẻ giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để phát triển thể chất và tăng cường hoạt động của não bộ.